I. Thời kỳ sơ khai

Nhạc Lâm Ấp

Nhạc Lâm Ấp là một loại hình vũ nhạc của Nhật Bản - tức là một môn nghệ thuật mang tính lễ nghi gồm nhạc và vũ điệu. Người ta cho rằng nhạc Lâm Ấp được truyền bá sang Nhật vào thế kỷ thứ VIII bởi tăng sĩ Phật Triết của vương quốc Chăm-pa - đất nước trải dài theo vùng duyên hải ngày nay là miền Trung và miền Nam Việt Nam. Trong Nhã nhạc (một thuật ngữ dùng để chỉ âm nhạc cung đình truyền thống của Nhật Bản), vũ nhạc được chia thành 02 loại: nhạc Đường từ Trung Quốc và nhạc Cao Ly từ bán đảo Triều Tiên. Nhạc Lâm Ấp hợp nhất với Đường nhạc vào khoảng thế kỷ thứ 9 và đã được trình diễn trong cung đình Nhật Bản và các chùa chiền. Dù chưa thể chắc chắn về mối liên hệ giữa nhạc Lâm Ấp và Nhã nhạc Việt Nam, thì 8 khúc nhạc Lâm Ấp còn tồn tại vẫn rất nổi tiếng trong số những khúc Nhã nhạc hiện nay. Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.

Phần này giới thiệu các tài liệu về nhạc Lâm Ấp - một biểu tượng của sự giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam thời xa xưa.

1.  Đông Đại Tự (Todai-ji)yếu lục

Đông Đại Tự yếu lục là sưu tập tài liệu về chùa Đông Đại Tự(Todai-ji). Bản gốc được biên soạn vào đầu thế kỷ 12, sau đó nhà sư Kangen của chùa Đông Đại Tự biên tập lại và bổ sung nội dung và hoàn thiện, tuy nhiên bản gốc do nhà sư Kangen biên tập đã bị thất lạc. Cuốn sách giới thiệu trong triển lãm được chép lại vào thời kỳ cận đại và do gia đình quý tộc Bojo thời Minh Trị trao tặng cho Thư viện Nội Các (ngày nay thuộc Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản)

Chương I của cuốn sách nói về lịch sử thành lập chùa và cho biết tăng sĩ Chămpa Phật Triết đến Nhật Bản năm 736 cùng cao tăng Ấn Độ Bồ Đề Tiên Na - người sau này thực hiện Lễ Khai nhãn Đại Phật tại chùa Đông Đại Tự. Phật Triết là người đã đưa nhạc Lâm Ấp sang Nhật Bản. Dù cuộc đời và sự nghiệp của Phật Triết còn ít được biết đến, ông được miêu tả trong sách “Nguyên Hưởng Thích Thư”(vào năm 1322)là một cao tăng bác ái với sức mạnh thần bí có thể nói chuyện với Long vương. 

Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản

192-0420.

2.  Tục Nhật Bản kỷ, tập 24

Đông Đại Tự yếu lục nói trên được biên soạn vào thế kỷ 12, còn Tục Nhật Bản kỷ hoàn thành năm 797. Đó là bộ Sử ký chính thống thứ 2 của Nhật Bản, tiếp theo Nhật Bản thư kỷ.

Tục Nhật Bản kỷ ghi chép về 9 Thiên hoàng trong thời gian 95 năm từ khi Văn Vũ Thiên hoàng kế vị vào năm 697 đến thời kỳ của Hoàn Vũ Thiên hoàng vào năm 790. Cuốn sách được giới thiệu ở đây là do nhà sư Phạn Thuấn chép lại và tặng cho Tường Quân Ieyasu Tokugawa năm 1613; sau đó trở thành một phần bộ sưu tập của Thư viện Hồng Diệp Sơn - vốn là thư viện của Mạc phủ Tokugawa.  

Tài liệu trưng bày nói về việc Thuần Nhân Thiên hoàng mở tiệc khoản đãi quan viên từ ngũ phẩm trở lên và khách nước ngoài, cho họ nghe nhạc Lâm Ấp và các loại hình âm nhạc khác như nhạc Đường và nhạc Tora. Đây là tài liệu đầu tiên trong số các sử ký của Nhật Bản có đề cập đến nhạc Lâm Ấp. Dựa trên thời gian biên soạn tài liệu, có thể thấy nhạc Lâm Ấp được du nhập vào Nhật Bản ít nhất vào cuối thế kỷ thứ VIII.
Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản

特084-0002

3.  Ban nhạc cung đình trong lễ tế Giao (đầu thế kỷ 20)

Nhã nhạc là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Thời Nguyễn, triều đình quy định 7 thể loại âm nhạc, bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc, trong đó Giao nhạc là nhạc dùng trong lễ tế Giao.

Lễ tế Giao là nghi lễ tế Trời, Đất và các vị thần linh trong bờ cõi quốc gia. Dưới chế độ phong kiến đây là lễ tế quan trọng nhất được tiến hành vào mùa xuân hàng năm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đàn Nam Giao - nơi các vua Nguyễn tế trời - được đặt tại làng An Ninh vào năm 1803, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía Nam của Kinh Thành - nay là địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Các nghi lễ lớn của triều đình trong đó có lễ Tế Giao thường sử dụng dàn Đại nhạc, gồm một số nhạc cụ như trống, kèn và các nhạc cụ bộ gõ có âm lượng lớn .

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

4. Ban nhạc cung đình trình tấu trước điện Thái Hòa

Nhạc cung đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Việc sáng tạo và biểu diễn nhã nhạc hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong dân gian, nhờ có tay nghề cao mà được sung vào cung để phục vụ cho triều đình. Trong ảnh là ban nhạc cung đình với một số nhạc cụ như tam âm, xập xõa, phách, kèn bầu, trống bồng, mõ… đang trình tấu trước điện Thái Hòa.
Điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế - nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong hơn 100 năm. Chữ “Thái” là sự lớn lao, to rộng, chữ “Hòa” hàm ý “hài hòa, hòa hợp”- cuộc sống hòa hợp giữa âm và dương, giữa cương và nhu, giữa người và người, giữa người và Trời, giữa người và Đất thì mới hữu ích cho vạn vật. Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng vào tháng 2 năm 1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

5.  Tài liệu có nội dung về nhạc phổ, nhạc chương Nhã nhạc cung đình Huế

Nhã nhạc, hiểu theo ý nghĩa nguyên thuỷ của nó, là nhạc chính thống mang tính lễ nghi, được sử dụng trong các triều đình quân chủ Việt Nam cũng như tại các nước Đồng Văn. Ở Việt Nam, Nhã nhạc bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XV, nhưng phải đến thời kỳ nhà Nguyễn mới phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ uyên bác. Nhã nhạc dưới triều Nguyễn có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương. Các nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình.

Trong ảnh là 2 cuốn sách chép tay. Cuốn bên trái hình ảnh là nhạc chương, ghi chép lời nhạc tấu lên trong các nghi lễ triều đình. Cuốn bên phải là nhạc phổ, chép lại các ký âm, ký tự về nhã nhạc cung đình Huế

Tài liệu do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sưu tầm của cụ Lữ Hữ Thi, nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế vào năm 2008, hiện đang được bảo quản tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Go To Top